Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya (Higashino Keigo) – Câu chuyện về niềm tin và những ước mơ

06/04/2020

Đúng như cái tên, cuốn sách này quả là điều kỳ diệu mà tôi đã may mắn gặp được trong năm nay. Đây là cuốn sách đầu tiên đưa tôi đến với giọng văn của Higashino Keigo. Giọng văn mang hơi thở quá đỗi đời thường nhưng lại mang đậm chất trinh thám nên có sức hút mãnh liệt khó tả.

Tôi nhớ là trong một lần kéo newsfeed, đọc bài chia sẻ của ông anh tôi từng quen, thế là cái tựa sách in vào trong đầu từ lúc nào không biết. Vài ngày sau đó vào Nhã Nam, tôi đã không ngần ngại với tay lấy cuốn sách bìa xanh trên kệ, như một cái duyên vậy. Trước lúc đọc, tôi nghe nói đây là cuốn sách tươi sáng nhất của Higashino Keigo. Nếu chẳng may lạc vào vài trang sách, bạn sẽ chẳng muốn đặt nó xuống nữa vì sự cuốn hút mà nó mang lại. Tôi đọc trong 3 ngày, tranh thủ mỗi chút buổi sáng, giờ nghỉ trưa tại công ty, và tối về nhà. Cuốn sách có gì đó hấp dẫn tôi kinh khủng, nhưng lại tạo cảm giác “thòm thèm”, không muốn đọc một mạch vì sợ nó sẽ kết thúc mất.

Một đêm vội vã lẩn trốn sau phi vụ khoắng đồ nhà người, Atsuya, Shota và Kouhei đã rẽ vào lánh tạm trong một căn nhà hoang bên con dốc vắng người qua lại. Căn nhà có vẻ khi xưa là một tiệm tạp hóa với biển hiệu cũ kỹ bám đầy bồ hóng, khiến người ta khó lòng đọc được trên đó viết gì. Định bụng nghỉ tạm một đêm rồi sáng hôm sau chuồn sớm, cả ba không ngờ chờ đợi cả bọn sẽ là một đêm không ngủ, với bao điều kỳ bí bắt đầu từ một phong thư bất ngờ gửi đến…

Giọng văn của Higashino Keigo thật dung dị, khéo léo kết nối các mắt xích tạo thành vòng tròn không gian và thời gian biến chuyển liên tục. Các câu chuyện về những người khác nhau, tưởng chừng như không liên quan, ấy mà lại vô tình gặp nhau ở một vài giao điểm nào đó, và thế là điều kỳ diệu xuất hiện.

Review sách: Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya - Higashino ...

Tiệm tạp hoá Namiya

Niềm vui mỗi ngày của ông Yuji là trả lời thư tư vấn được chuyển đến hòm thư trước cửa tiệm. Những lá thư, hay linh hồn xuyên suốt hơn 300 trang sách, mang đến những câu hỏi rất đời thường, từ vấn đề đơn giản nhất hàng ngày tới cả việc hệ trọng cả đời. Ban đầu chỉ là những câu hỏi đùa vui như “Cháu không muốn học bài, làm sao để vẫn đạt được 100 điểm?” nhưng đều được ông Yuji suy nghĩ thấu đáo và trả lời rất chân thành. Khi sự chân thành được tích luỹ đủ, những lá thư nghiêm túc với những vấn đề lớn lao được chuyển đến, gửi gắm theo cả niềm tin.

“Nên tiếp quản cửa hàng cá của gia đình hay nên theo đuổi giấc mơ âm nhạc tương lai mù mịt?”

“Nên ở bên người yêu chỉ còn sống được nửa năm nữa hay nên tích cực tập luyện cho kỳ Olympic sắp tới, khi đó chính là giấc mơ của cả hai người?”

Mỗi người tìm đến tiệm Namiya đều là những kẻ đang lạc lối, vô định trong thế giới của chính họ. Họ vốn có ước mơ và niềm tin nhưng lại thiếu đi sự can đảm. Ông Yuji cho rằng bản thân người xin tư vấn vốn đã có câu trả lời cho riêng mình rồi, chỉ là không đủ dũng cảm để đi theo sự lựa chọn đó mà thôi. Nhiệm vụ cả đời của ông Yuji chính là lắng nghe, khơi gợi lại niềm tin, khát khao và ước mơ của những người đang đi lạc đó.

Chàng nhạc sĩ hàng cá

Matsuoka Katsuro là con trai duy nhất của một cửa hàng cá có truyền thống ba đời. Tuy nhiên, anh không muốn kế nghiệp ba mình mà nuôi hoài bão trở thành một ca sĩ kiêm nhạc sĩ. Vì vậy, Katsuro rời bỏ quê cũ để lên Tokyo tìm kiếm cơ hội. Thế nhưng, sau ba năm trôi qua mà anh vẫn chưa đạt được thành tựu gì. Đúng lúc ấy, bố anh đổ bệnh nặng, Katsuro đột nhiên đứng giữa ngã ba đường: tiếp quản cơ nghiệp gia đình hay tiếp tục phấn đấu vì mơ ước. Trong phút bối rối, Katsuro đã viết một lá thư gửi tới tiệm Namiya nhờ tư vấn.

Chắc chắn nhiều người trong chúng ta cũng từng phân vân khi đứng trước ngã ba đường quan trọng của cuộc đời giống như Katsuro. Giấc mơ của Katsuro có thể nói đã phần nào trở thành hiện thực. Cậu hy sinh tính mạng để cứu sống một cô bé trong biển lửa tại trại trẻ Marumitsu. Cô bé ấy sau này trở thành ca sĩ nổi tiếng với ca khúc do Katsuro sáng tác.

Kousuke và ban nhạc The Beatles

Vào những năm 1960, Beatles là một trong những ban nhạc nổi tiếng nhất ở Nhật. Waku Kousuke cũng là một trong những fan trung thành của họ. Kousuke vốn sinh ra trong một gia đình giàu có, muốn gì được nấy. Tuy nhiên, công ty của bố cậu ngày càng sa sút, nợ nần chồng chất dẫn đến việc cả nhà phải chạy trốn chủ nợ trong đêm. Rạn nứt giữa Kousuke với bố mẹ mình cũng vì thế mà lớn dần. Và lại một lá thư nữa được gửi tới tiệm tạp hóa Namiya.

Tôi khá thích câu chuyện về Kousuke và lớp ý nghĩa nằm sau đó. Thật không may khi khoảng thời gian gia đình Kousuke đổ vỡ cũng là lúc ban nhạc The Beatles mà cậu yêu thích đứng trên bờ vực tan rã. Cậu mang tâm trạng nặng nề ấy đi xem bộ phim cuối cùng của nhóm “Let It Be”. Bộ phim khi ấy trong mắt cậu nhuốm màu u ám, cậu cho rằng nhóm tan rã bởi chính các thành viên tự tạo ra khoảng cách và không muốn hàn gắn. Trái tim cậu bé tan nát, đổ vỡ. Cậu càng mất niềm tin về gia đình. Trở về, cậu bán tất cả đĩa hát The Beatles mà cậu từng coi như báu vật và chạy trốn một mình. Sau này khi trở về quê hương tìm lại gia đình, cậu hối hận vì phát hiện ngày đó bố mẹ đã hi sinh vì cậu như thế nào. Vì mớ cảm xúc tiêu cực mà cậu đã vô tình tạo thêm một vết nứt trong gia đình để rồi lạc lối suốt nhiều năm. Khi xem lại “Let It Be”, cậu không còn thấy mảng màu u tối rạn vỡ ngày nào nữa. Cậu thấy các thành viên đều đã cố gắng biểu diễn rất hăng say trên sân khấu cuối cùng. Hoá ra những hình ảnh vụn vỡ năm nào cậu cảm nhận đều là suy diễn từ cảm xúc tiêu cực của chính cậu khi ấy, khi niềm tin về sự gắn kết vốn đã tan biến. The Beatles từng là thứ ánh sáng kỳ diệu khi cuộc đời Kousuke hạnh phúc, nhưng lại trở thành con dao găm kết liễu tất cả khi cuộc đời cậu tăm tối.

Tiệm tạp hóa Namiya: Điều kỳ diệu dành cho những con người lạc lối

Chú chó nhỏ lạc lối Harumi

Người gửi thư là Muto Harumi – một nữ nhân viên văn phòng ngày đi làm tối đến quán bar kiếm thêm tiền. Harumi chia sẻ hiện đang có ý định chấp nhận làm tình nhân cho một người đàn ông đã có vợ; đổi lại, hắn sẽ chu cấp tiền để cô có thể mở một quán bar riêng cho bản thân. 

Cuốn sách có nhắc đến thời điểm nước Nhật chìm trong khủng hoảng những năm 90, và những biến động về sau đã cứu lấy cuộc đời cô gái Harumi như thế nào, nhờ vào lời tư vấn của ba tên trộm. Harumi sau này đã thành công nhờ những lời tư vấn đó. Cô dùng toàn bộ tiền kiếm được để cứu trại trẻ Marumitsu. Về sau đó một trong ba tên trộm đã trưởng thành nhờ vào trại trẻ này. Quả là mối liên kết xuyên không kỳ lạ. Quyết định tự thú của chúng đã giúp chúng đọc được lá thư cảm ơn của Harumi trong xe và biết cô là chủ nhân căn nhà chúng trộm đêm qua. Kể cả lá thư không được gửi vào hòm thư cũng đến đúng tay người cần nhận.

Trại trẻ Marumitsu

Vô tình những người tìm đến tiệm Namiya đều ít nhiều gắn kết với trại trẻ Marumitsu. Trại trẻ đó đã nuôi lớn những tâm hồn thơ dại, vun vén những ước mơ. Marumitsu là nơi ngập tràn tình người. Là nơi cậu bé Kousuke khắc tặng cô bé chú chó nhỏ bằng gỗ. Là nơi chàng nhạc sĩ hàng cá được biểu diễn những ca khúc mà mình viết. Là nơi mà “chú chó nhỏ lạc lối” dồn biết bao tâm huyết để cứu sống. Là nơi một mạng sống hy sinh để cứu một ngôi sao âm nhạc ra đời.

Ngày giỗ lần thứ 32 của ông chủ tiệm Namiya

Đây có lẽ là phân đoạn ấm áp tình người nhất mà tôi cảm nhận được. Sau nhiều năm, vào một ngày ý nghĩa, những người đã từng xin tư vấn gửi lại lời nhắn với lòng biết ơn. Những lời tư vấn năm xưa của ông Yuji ít nhiều đều có ý nghĩa với họ dù họ có thực hiện theo hay không. Họ bày tỏ lòng biết ơn vì năm đó ông đã kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện của họ, một cách thật lòng. Nhờ đó mà họ đã tiếp tục vững bước với sự lựa chọn của mình.

Tôi thích lá thư của chàng trai đã từng hỏi câu “Cháu không muốn học bài, làm sao để vẫn đạt được 100 điểm?”. Chính nhờ lời tư vấn của ông chủ tiệm “Cháu hãy xin cô giáo cho làm bài kiểm tra về bản thân của cháu”, chàng trai sau này trở thành giáo viên đã cho lũ trẻ làm bài kiểm tra về thành viên trong lớp để hiểu nhau hơn. Vậy là lời tư vấn năm nào vẫn in sâu trong tiềm thức chàng trai và phát huy tác dụng.

Có lẽ không còn điều gì ý nghĩa hơn đối với ông Yuji khi được đọc những lá thư đến từ tương lai như thế trước lúc từ biệt cõi đời. Giờ đây ông đã có thể yên lòng nhắm mắt sau những điều tốt đẹp mà ông để lại.

 

Và đây là những thông điệp ý nghĩa tôi đúc rút sau khi đọc hết cuốn sách.

Điều Kì Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya tung trailer Yamada Ryosuke ...

Đừng để cảm xúc đánh lừa. 

Giống như câu chuyện của Kousuke, một bộ phim dù hay cũng có thể biến thành tệ nếu chúng ta xem với tâm trạng tiêu cực. Đừng dùng lăng kính tiêu cực để nhìn cuộc đời, chúng ta sẽ mất đi niềm tin đấy.

Khó khăn hay không là tuỳ vào góc nhìn và tâm thế chúng ta lựa chọn để đối diện. 

Đến cả tờ giấy trắng vô định cũng có thể trở thành cơ hội cho chúng ta tuỳ ý vẽ ước mơ của mình.

Có những sự giúp đỡ mà nhiều năm sau mới phát huy tác dụng. 

Là câu chuyện về chàng trai hồi nhỏ từng hỏi “Cháu không muốn học bài, làm sao để vẫn đạt được 100 điểm?” Bởi vậy, hãy luôn trân trọng sự giúp đỡ đến từ bất kỳ ai chúng ta nhận được trong cuộc đời.

Chỉ cần gia đình vẫn cùng ở trên một chiếc thuyền thì sóng gió nào cũng vượt qua. 

Gia đình vẫn luôn là nơi yêu thương ta nhất, là nơi ta trở về khi gặp khó khăn ngoài đường đời.

Động lực lớn nhất của kẻ yếu thế là trở nên mạnh mẽ để có sức mạnh bảo vệ những kẻ yếu thế khác. 

Chú chó nhỏ lạc lối Harumi đã dùng chính sự yếu thế của mình để tạo nên động lực. Trại trẻ Marumitsu là tâm huyết của cả đời cô để cứu lấy cuộc đời của những kẻ yếu thế khác.

Hãy cứ cho đi mà đừng kỳ vọng gì cả. Chúng ta sẽ nhận lại những thứ còn lớn hơn thế nhiều.

Chú chó nhỏ lạc lối Harumi đã thành công nhờ vào lời tư vấn của ba tên trộm, để rồi chính một trong ba đứa lại trưởng thành từ trại trẻ Marumitsu mà Harumi tâm huyết cứu sống.

Điều kỳ diệu sẽ xảy ra khi tất cả cùng cố gắng.

Xuyên suốt cuốn sách, mỗi nhân vật là một mắt xích nhỏ. Chỉ cần một người trong bọn họ bỏ quên lời hứa thì câu chuyện sẽ không còn trọn vẹn nữa. Tôi cảm nhận được điều tuyệt vời nhất vào ngày giỗ lần thứ 32 của ông chủ tiệm. Nếu như cậu con trai năm ấy quên lời hứa với bố, hay những người từng nhờ tư vấn quên mất sự tồn tại của cửa tiệm thì điều kỳ diệu ấy sẽ không bao giờ xuất hiện.

Vẫn có câu trả lời dành cho tờ giấy trắng

Khép lại câu chuyện là lá thư trả lời dành cho tờ giấy trắng, thật bất ngờ khi tình tiết mà người đọc tưởng như đã lãng quên vẫn được Higashino Keigo kết thúc một cách trọn vẹn. Tờ giấy trắng nhìn theo hướng tiêu cực là những hoang mang, bối rối, hay chỉ đơn thuần là trò đùa của 3 tên trộm lúc mới phát hiện ra hòm đựng thư. Nhưng với cái nhìn đầy tích cực và chân thành của ông chủ tiệm tạp hoá, tờ giấy trắng là một tấm bản đồ chưa được vẽ.

“Nếu ví những người nhờ tôi tư vấn là kẻ lạc đường thì phần đông trong số họ ở tình trạng có bản đồ nhưng không chịu xem hoặc không biết vị trí hiện tại của mình. Nhưng có lẽ bạn không thuộc loại nào trong hai loại này. Bản đồ của bạn vẫn còn là tờ giấy trắng. Bạn đang ở trong tình trạng dù rất muốn quyết định đích đến nhưng lại không biết đường đi nằm ở đâu. Bản đồ là giấy trắng thì dĩ nhiên là lúng túng rồi. Ai cũng sẽ thấy mất phương hướng. Nhưng bạn hãy thử thay đổi cách nhìn. Vì còn là giấy trắng nên bạn có thể vẽ bất kỳ bản đồ nào. Tất cả là tùy ở bạn. Mọi thứ đều tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời.”

Tôi nghĩ là “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya” đã trọn vẹn đến tận dấu chấm cuối cùng. Highly highly recommend các bạn trẻ đọc nó như để tìm thấy một điều kỳ diệu trong cuộc đời.

PS. Truyện đã được chuyển thể thành phim và sẽ được công chiếu tại Nhật tháng 9 năm nay. Đợi chờ ?

~everlasting

Link chia sẻ 12 giờ

Post Author: Do Pham Khac