Review sách: Biết Ăn Nói Chẳng Lo Thua Thiệt – Li Jing

23/11/2020

Chúng ta phải thừa nhận một sự thật rằng: trong cuộc sống cũng như trong công việc, những người có khả năng quan hệ tốt thường có quan hệ xã hội tốt, hòa hợp với đồng nghiệp, và rất được lãnh đạo coi trọng, do vậy họ càng dễ có cơ hội thăng tiến hơn. Còn những người kém diễn đạt thường ít biết đến, bị quên lãng, thậm chí có lúc còn động chạm đến người khác vì không biết cách ăn nói, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ xã hội, và kết quả là chuyện gì cũng không suôn sẻ. Do vậy, kỹ năng ăn nói là một điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt là trong thời đại mở như ngày này. Biết ăn nói chẳng lo thua thiệt là cuốn sách cũng như là chìa khóa để các bạn rèn được khả năng giao tiếp của mình.

Không còn nghi ngờ gì nữa, khả năng diễn đạt tốt hay dở góp phần quyết định thành công của con người. Nhà thông thái Socrates hàng nghìn năm trước đã nói: “Trên thế giới có một loại năng lực có thể giúp người ta nhanh chóng phát triển được sự nghiệp lớn, được mọi người công nhận, đó chính là khả năng dùng lời nói khiến người khác vui vẻ.”

Khiêm tốn: khiến bạn được nhiều người yêu thích

Dù bạn có thành công đến đâu, có giỏi, có giàu đến cỡ nào nhưng khi hỏi bí kíp để có được thì hầu như ai cũng nói đến khiêm tốn. Có lẽ khiêm tốn là kim chỉ nam để người ta có được thành công. Trong cuốn sách này, tác giả nói đến khiêm tốn và thông qua một câu chuyện của Mạnh Chi Phản, Tiểu Lương. Qua những câu chuyện của các nhân vật này để hiểu khiêm tốn có vai trò quan trọng thế nào. Việc bạn thể hiện vừa phải, không quá lố, đúng lúc đúng chỗ sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt mọi người.

Cho dù chúng ta có thể phấn khích trước những lời tâng bốc, nhưng không ai thích người tự cao tự đại cả. Chúng ta có thể tự động viên mình, nhưng tuyệt đối không được cho mình là nhất, tỏ vẻ thông minh, tưởng rằng mình ghê gớm lắm. Nói năng khiêm tốn sẽ khiến mọi người yêu thích bạn. Ngược lại, thể hiện một cách ngông cuồng sẽ khiến người khác dị nghị và phản cảm.

Chừng mực: Không được khăng khăng cứng nhắc

Chúng ta luôn được dạy rằng phải ăn nói có chừng mực, rõ ràng nhưng sự chừng mực này vẫn phải nên uyển chuyển, nhẹ nhàng thay vì cứng nhắc. Sự hứa hẹn cũng không thể đúng hoàn toàn nên dù hứa thế nào chúng ta cũng nên có cách hứa để vừa thuận tiện cho ta, vừa được lòng người. Thái căn đàm có viết rằng: “Qua đường hẹp, nhường cho người ta một lối đi, ăn uống đầy đủ thì bớt cho người ta vài miếng thưởng thức”. Cuộc đời con người, nói ngắn cũng ngắn, nói dài cũng dài, sự đời biến hóa vô thường, nên khi nói hãy cho bản thân một con đường lùi, đừng khăng khăng quá, tuyệt đối quá và rõ ràng quá.

Tục ngữ có câu: phàm gặp chuyện gì cũng nên chừa cho mình đường lùi, đừng dồn người khác vào chân tường. Lời nói cũng cần phải giữ lại vài phần, đừng nói tuyệt đối quá. Bởi vì việc gì cũng có khả năng gặp bất trắc, giữ lại vài phần là để chừa chỗ những điều bất ngờ xảy ra, tránh cho mình không có chỗ xuống nước.

Khéo léo khen ngợi, sẽ có nhân duyên tốt

Sự thân mật và hài hòa giữa người với người thường chỉ cần một tấm lòng thành và một lời khen. Nếu như bạn có thể cho người khác một lời khen ngợi thích hợp, sẽ dễ dàng được lòng mọi người. Nhưng khen cũng nên đúng lúc và thích hợp với hoàn cảnh. Đôi khi lời khen của bạn lại được coi là nịnh bợ, đôi khi là được cho là mỉa mai thì lúc đó bạn lại để lại ấn tượng xấu với người khác. Thay vì khen trước mặt thì chúng ta nên khen sau lưng. Vì sao lại như vậy? Thứ nhất, khen sau lưng là thể hiện sự tôn trọng và cổ vũ người khác. Thứ hai, khen sau lưng sẽ thể hiện tấm lòng chân thành và rộng lượng của bạn. Nếu như nói xấu sau lưng sẽ gây cho bạn những điều không tốt thì khen sau lưng lại có hiệu quá tốt với bạn.

Nếu như có thể, tốt nhất đừng bình luận gì về người khác khi người ta không có mặt, nhất là nói xấu. Bởi vì nói xấu sau lưng người khác có rất nhiều rủi ro, đến tai người ta, lời nói xấu có thể đã trở nên khác đi. Còn khi nói những lời khen tốt đẹp sau lưng người khác thì lại không sợ nó đến tai đối phương. Đối phương biết còn phải cảm kích bạn, nhờ vậy bạn sẽ có những mối nhân duyên tốt.

Nói nhiều lời hay ý đẹp, đừng khiến người khác cảm thấy mất mặt

Chắc hẳn trong chúng ta chẳng ai muốn nghe những lời nói khó nghe, ai cũng muốn nghe những lời hay ý đẹp từ người khác. Nghe những lời hay ý đẹp hàng ngày chúng ta thấy cuộc sống dễ chịu hơn hẳn so với mỗi ngày đập vào tai chúng ta là những lời chua chát. Nên hãy trao nhau những lời dễ nghe thay vì những lời khó nghe. Từ lời nói người ta có thể thấy được con người của bạn thế nào.

Ai cũng hy vọng nghe những lời hay ý đẹp, chứ không phải những lời nói xấu xa. Nếu lời nói của bạn khó nghe, thì đừng trách người khác ghét bạn. Cho dù là những lời thẳng thắn chân thành cũng không thể khiến người khác vui lòng.

Đừng suốt ngày tranh cãi, đợi bình tĩnh lại rồi hãy nói

Khi gặp mâu thuẫn nhiều người nói qua nói lại, tranh cãi gay gắt với nhau đôi khi lại dẫn đến những hậu quả không ai ngờ tới. Bởi khi mất bình tĩnh lời nói của bạn sẽ không còn được kiểm soát nữa, thay vì đó là những phát ngôn sau này nhớ lại bạn vẫn không hiểu tại sao. Vì vậy khi tranh cãi mà không thấy đi đến cuối của vấn đề thì hãy dừng lại và một thời điểm thích hợp, tất cả đều bình tĩnh rồi hãy nói. Nếu bạn là người hay tranh cãi gay gắt thì sau đây là một số lời khuyên cho bạn:

  1. Luôn chú ý đến tâm trạng của mình và không khí cuộc nói chuyện với người khác, thường xuyên tự hỏi “Tôi đã rơi vào bẫy tranh luận chưa?” để đề phòng mình chuẩn bị hoặc đã rơi vào bẫy tranh luận.
  2. Ngay khi phát hiện mình đang tranh luận hay có xu hướng tranh luận, thì phải tự hỏi: “Chuyện này có quan trọng không?” .
  3. Nếu như không khí buổi nói chuyện căng thẳng thì rất khó để thuyết phục người khác bằng tranh luận hay tranh cãi. Cho dù là chuyện quan trọng, cũng không nhất thiết phải thuyết phục đối phương ngay lập tức.
  4. Liệu hai bên có thể bảo lưu ý kiến của mình không? Người khác có thể không cần làm theo ý kiến của bạn hay không? Nếu nhất định phải làm theo bằng không bạn sẽ tức giận thì bạn là “kẻ cuồng khống chế”, những người như vậy thường không xử lý tốt các mối quan hệ xã hội.
  5. Thực ra, rất nhiều chuyện trong cuộc sống không có đúng sai. Nhưng rất nhiều người, đặc biệt là các đôi vợ chồng, lại thường tranh luận xem ai đúng ai sai, để rồi sinh ra mâu thuẫn, làm tổn hại tình cảm đôi bên. Khi bạn kích động, muốn tranh chấp cao thấp với ai, chi bằng hãy nghĩ đến câu này: “Không có đúng sai, chỉ có hòa khí”.

Lòng dạ bao dung, độ lượng với người khác

Trong cuộc sống, dù ai đó có mắc sai lầm thì hãy bao dung, độ lượng. Đừng vì sai lầm của họ mà chà đạp lên con người họ. Có câu nói rằng: “Khoan dung  là hạt ngũ cốc mọc trong bụi gai.” Lùi một bước, đất trời ắt sẽ rộng lớn hơn. Những mâu thuẫn sẽ được giải quyết khi chúng ta mở rộng tấm lòng và khi đó tiền đồ ắt cũng sáng sủa hơn.

Nếu khiêm tốn, khoan dung trong công việc, có lòng vị tha, không tính toán thiệt hơn, thì giữa các đồng nghiệp với nhau sẽ bớt đi căng thẳng, tăng thêm sự cảm thông, yêu thương và quan hệ sẽ tốt đẹp hơn.

Khoan dung là sự nhẫn nại, đôi chân thối của ông chồng, mái tóc bẩn của bà vợ, mâu thuẫn của mẹ chồng nàng dâu, đều cần phải nhìn nhận bằng đôi mắt khoan dung, đối xử bằng thái độ nhẫn nhịn.[…] Chỉ có trái tim bao dung mới có được nhiều mối lương duyên, có lòng khoan dung ắt sẽ có nhiều cơ hội thành công.

 Bác bỏ một cách dí dỏm, để người khác vui vẻ chấp nhận

Tác giả Li Jing đã nói đến câu chuyện của Tô Thức để nói về việc bác bỏ một cách dí dỏm. Trong cuộc sống ngày nay, những luồng ý kiến, thông tin đến với chúng ta một cách dồn dập. Nhiều khi chúng ta thấy chưa hợp lý hay chưa đúng muốn bác bỏ đi điều đó. Nhưng cách bác bỏ của chúng ta như thế nào sẽ khiến cho đối phương phải cảm thấy thuyết phục. Đôi khi sự bác bỏ quá gay gắt của chúng ta lại làm cho họ không thấy vui và họ sẽ không chấp nhận điều đó. Bởi họ cũng có chính kiến riêng của họ. Nhưng nhiều khi bạn bác bỏ một cách dí dỏm, hài hước lại khiến cho họ dễ dàng nắm bắt, dễ dàng tiếp thu và dễ dàng chấp nhận hơn. Do vậy, bác bỏ ra sao cũng là một nghệ thuật mà nghe qua ai cũng nghĩ dễ dàng, nhưng thực sự có dễ hay không thì vào tính huống cụ thể các bạn sẽ thấy rõ điều này.

Đừng chế giễu người khác, đặc biệt là trong lúc người khác phạm lỗi lầm. Giễu cợt lỗi lầm của người khác chẳng khác nào coi thường họ. Tất nhiên, nếu bạn nắm bắt được sự thông tuệ khi nói chuyện như của Đông Phương Sóc thì lại khác. Nói một cách đơn giản, muốn họ chấp nhận bạn thì phải dí dỏm nói thật thân thiết, gần gũi chứ không phải theo kiểu châm biếm, biến họ trở thành kẻ ngớ ngẩn.

Thay lời kết

Biết ăn nói chẳng lo thua thiệt của tác giả người Trung Quốc Li Jing  là cuốn sách hay dành cho những ai đang lo ngại, tự ti về khả năng ăn nói, giao tiếp của mình. Cuốn sách đem đến cho bạn cách khéo léo giải quyết những tình huống khó xử trong cuộc sống nhờ ăn nói. Bạn sẽ phát hiện ra rằng, khả năng diễn đạt bằng lời nói không chỉ là một công cụ, mà còn là một nghệ thuật đích thực của cuộc sống. Đã là nghệ thuật thì chúng ra nên học hỏi. Và cuốn sách này là chìa khóa vàng để bạn khám phá ra nghệ thuật ấy. Đừng để mình thua thiệt vì không biết diễn đạt. Don’t fail to express yourself!

Huy Dũng – Bookademy

Link chia sẻ 12 giờ

Post Author: Do Pham Khac