Chúng ta đều là những con người trách nhiệm và mong muốn thực hiện tốt công việc của mình, tuy nhiên kết quả không phải bao giờ như chúng ta mong muốn. Có những giai đoạn đã cố gắng nhưng kết quả vẫn là một chữ FAILED to tướng rơi vào đầu. Khi đó, mỗi chúng ta ắt hẳn sẽ đều tự đặt cho mình một câu hỏi: tôi đã sai ở đâu? Đặc biệt với các vị trí chịu trách nhiệm đứng đầu sản phẩm hoặc một mảng ngành dọc.
Trong Gian nan chồng chất gian nan (The hard thing about hard things), Ben Horowitz có viết một chương rất hay và thiết thực dành cho các nhà quản lý sản phẩm, chương này tên là Quản lý tốt, quản lý tồi. Khi đọc nội dung này, nếu các bạn tìm thấy chính các bạn trong “nhà quản lý tốt” thì xin chúc mừng, bạn thật giỏi. Ngược lại, nếu các bạn tìm thấy mình trong “nhà quản lý tồi” thì không sao cả, đơn giản là vì chúng ta chưa được thử thách và trải nghiệm đủ nhiều để trở thành “nhà quản lý tốt”. Chúng ta còn nhiều cơ hội để học và thay đổi.
Dưới đây sẽ là một số nội dung của chương này.
“Các nhà quản lý sản phẩm tốt hiểu rất rõ thị trường, sản phẩm, dòng sản phẩm và đối thủ, và họ làm việc dựa trên nền tảng kiến thức vững chắc cùng sự tự tin hoàn hảo. Một nhà quản lý sản phẩm tốt chính là vị CEO của sản phẩm đó. Các nhà quản lý sản phẩm tốt nhận mọi trách nhiệm, đồng thời biết đánh giá bản thân theo sự thành bại của sản phẩm.
Họ chịu trách nhiệm cho việc ra mắt sản phẩm mới, thực hiện đúng thời gian và tất cả những gì mà chúng bao hàm. Một vị quản lý sản phẩm tốt hiểu rõ về bối cảnh (nội tình công ty, nguồn doanh thu, bối cảnh cạnh tranh…) và họ chịu trách nhiệm thiết kế và thực thi một kế hoạch mang lại chiến thắng. Họ không biện hộ.
Các nhà quản lý sản phẩm tồi có rất nhiều lý do biện bạch cho mình. Nào là không đủ nguồn vốn, vị quản lý kỹ thuật là kẻ ngu ngốc, Microsoft có số nhân viên đông gấp mười lần chỉ để nghiên cứu một sản phẩm như chúng ta (công ty của Ben là công ty cạnh tranh trực tiếp với Microsoft trong giai đoạn đầu tiên), tôi bị quá tải, tôi không được hướng dẫn đầy đủ. CEO của chúng ta không bao giờ đưa ra những lời biện bạch như vậy, cho nên một vị CEO của sản phẩm cũng không nên làm thế.
Các nhà quản lý sản phẩm tốt không để mất thời gian cho nhiều phòng ban khác nhau, mà họ tổ chức phối hợp các phòng ban này để có thể đạt được mục tiêu vào đúng thời điểm. Họ xác định chính xác mục tiêu, biết cần làm “cái gì” chứ không phải “cách làm như thế nào” và quản lý việc bàn giao “cái gì” đó. Các nhà quản lý sản phẩm tồi cảm thấy hài lòng nhất khi họ nghĩ ra cách làm. Các nhà quản lý sản phẩm tốt trao đổi bằng miệng hay bằng văn bản với bộ phận kỹ thuật đều hết sức ngắn gọn. Họ không ra chỉ thị miệng, nhưng lại biết thu thập thông tin từ những nguồn phi chính thức.
Các nhà quản lý sản phẩm tốt chuẩn bị chu đáo các tài liệu bổ sung, các câu hỏi thường gặp v.v… họ trù tính trước được những sơ sót nghiêm trọng của sản phẩm và đưa ra những giải pháp thực tế. Các nhà quản lý sản phẩm tồi suốt ngày phải đi chữa lửa.
Các nhà quản lý sản phẩm tốt nêu ý kiến của họ bằng văn bản trước những vấn đề quan trọng, những yếu tố vượt trội giúp cạnh tranh, những lựa chọn kỹ thuật khó khăn, những thị trường cần tấn công hay phải chinh phục. Các nhà quản lý sản phẩm tồi chỉ nêu ý kiến ngoài miệng rồi than phiền rằng những người có thẩm quyền không chịu làm theo lời họ. Khi các nhà quản lý sản phẩm tồi gặp thất bại, họ sẽ chỉ ra được rằng họ đã tiên đoán trước về thất bại của mình.
Các nhà quản lý sản phẩm tốt tập trung đội ngũ vào việc xây dựng doanh thu và khách hàng. Các nhà quản lý sản phẩm tồi tập trung nhân viên vào việc tính toán xem các đối thủ đang xây dựng thêm bao nhiêu tính năng mới.
Các nhà quản lý sản phẩm tốt xác định các sản phẩm tốt, có thể thực hiện được với một nỗ lực rất lớn. Các nhà quản lý sản phẩm tồi xác định các sản phẩm tốt không thể được thực thi hoặc để mặc cho phòng kỹ sư tha hồ muốn làm gì thì làm, mặc họ giải quyết vấn đề khó khăn nhất.
Các nhà quản lý sản phẩm tốt suy nghĩ tới việc phân phối giá trị ưu việt ra thị trường trong quá trình lập kế hoạch sản phẩm và hoàn thành được các mục tiêu về thị phần cũng như về doanh thu trong giai đoạn đưa sản phẩm ra thị trường. Các nhà quản lý sản phẩm tồi rất mơ hồ về sự khác biệt giữa việc cung cấp giá trị, theo kịp các đặc tính sản phẩm của đối thủ, giá cả và sự hiện diện ở mọi nơi. Các nhà quản lý sản phẩm tốt phân tích vấn đề, các nhà quản lý sản phẩm tồi dồn hết mọi rắc rối vào làm một.
Các nhà quản lý sản phẩm tốt mắc sai lầm nhưng vẫn rõ ràng. Các nhà quản lý sản phẩm tồi không bao giờ giải thích, kể cả giải thích những điều hiển nhiên. Các nhà quản lý sản phẩm tốt xác định rõ nhiệm vụ và thành công của mình. Các nhà quản lý sản phẩm tồi liên tục cần phải có người định hướng.”
Hi vọng chúng ta biết mình sẽ bắt đầu thay đổi từ đâu. Hãy nhớ, thành công được quyết định bởi các lựa chọn và thay đổi.
Củ từ
Copy
Link chia sẻ 12 giờ