Chiều qua ngày 8/8 tại khu sinh hoạt chung, các thành viên Eway đã có cơ hội gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ từ diễn giả Dương Trọng Tấn – Founder Học viện Agile trong buổi OpenTalk với chủ đề “Hỏi thế nào để giỏi”.
Khi còn bé, chúng ta thường có tính hiếu kì về cuộc sống và luôn được khuyến khích đặt câu hỏi. Nhưng lớn lên, sự hiếu kì dần mất đi và chúng ta ngừng đặt câu hỏi, ngừng thử thách và trở nên quan tâm đến việc thích nghi nhiều hơn là nghi vấn những điều hiển nhiên trong cuộc sống. Hay đôi khi những câu hỏi chúng ta đưa ra theo cách phản xạ tự nhiên không hề có chủ đích khiến cho cuộc trò chuyện trở nên lệch lạc, đối phương không hiểu được ý muốn của chúng ta và ngược lại.
Khi tất cả mọi người đều chỉ thích nghe đáp án hơn là hỏi ngược lại thì đó là khi chúng ta quên mất sức mạnh của “Năng lực đặt câu hỏi”. Trong từng tình huống, câu hỏi giúp giới hạn mục tiêu, giúp khai phá nhận thức mới, giúp tạo thói quen, giúp đàm phán… một cách thuận lợi và tích cực.
Trong xu hướng làm việc “Hãy hỏi lại” đang được thúc đẩy tại Eway, tại buổi OpenTalk, diễn giả Dương Trọng Tấn – người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và đào tạo về hệ thống bộ câu hỏi giá trị đã có những nhận định và chia sẻ để làm rõ giá trị của việc đặt câu hỏi và cách đặt câu hỏi sao cho đúng, hiệu quả.
Mở đầu buổi chia sẻ bằng câu hỏi: “Câu hỏi hay đáp án – Cái nào quan trọng hơn?”, anh giải đáp vấn đề bằng cách chỉ ra giá trị của viêc đặt câu hỏi sẽ giúp cho chúng ta đào sâu tìm kiến thức, mở rộng góc nhìn, tạo ra những ý tưởng mới, làm rõ và hiểu mong muốn, ý kiến của những người xung quanh,… Anh đưa ra những ví dụ trong môi trường làm việc thực tế khi nhiều trường hợp nhân viên không hiểu ý sếp, không chủ động đặt câu hỏi đã dẫn đến những hậu quả công việc không mong muốn.
Phần chia sẻ của anh nhấn mạnh đến yếu tố chủ động đặt câu hỏi là cần thiết, nhưng đặt câu hỏi sao cho đúng thì cần sự quan sát nhanh nhạy và luyện tập đối với từng đối tượng, từng môi trường.
Tại buổi OpenTalk, anh đã giới thiệu đến nhân viên Eway bộ câu hỏi Socrates theo từng mục đích sử dụng như Điều tra các giả định; Điều tra lí do nguyên nhân và bằng chứng; Đặt câu hỏi về quan điểm và lập trường… Với mỗi mục đích sẽ có danh sách những câu hỏi riêng để phục vụ cho tiêu chí cuối cùng là làm sáng tỏ vấn đề, tìm ra cách giải quyết cùng các kĩ thuật được vận dụng linh hoạt như 5W1H, 5 Whys,….
Diễn giả cũng lật ngược lại vấn đề khi đưa ra câu hỏi “Hỏi quan trọng nhưng sao một số người lại hỏi ít”. Anh đi đến kết luận: “Rào cản” chính là tác nhân chính gây ra tình trạng này. Rào cản lớn nhất ở đây là tâm lí bản thân người muốn hỏi vì ngại, xấu hổ,.. Từ đó, anh gợi ý các giải pháp là hãy tạo một môi trường tốt để hỏi, tạo an toàn về tâm lí, biết lắng nghe, thấu hiểu,… Bên cạnh đó, anh nhấn mạnh và khuyến khích mọi người sử dụng quy trình đặt câu hỏi bao gồm 3 bước: Chuẩn bị, Hỏi, Phản hồi và hỏi tiếp.
Kết thúc phần chia sẻ của mình bằng câu hỏi “Bạn có hỏi tốt hơn sau hôm nay?”, anh mong muốn tất cả mọi người luôn chủ động đặt câu hỏi và hỏi sao cho đúng, cho hiệu quả. Cuối buổi, các thành viên Eway đã rất tích cực đặt câu hỏi, trao đổi những suy nghĩ của bản thân về vấn đề này.
Anh Lê Đức Thuận – một trong các thành viên Eway tham gia buổi OpenTalk chia sẻ cảm nhận của mình: “Việc đặt câu hỏi sao cho đúng đã được Eway áp dụng từ trước và cũng đang đạt được kết quả. Những chia sẻ của diễn giả giúp cho phong cách làm việc này tại Eway được hoàn thiện và phát triển hơn. Điều mình ấn tượng là phần giới thiệu phương pháp hỏi luận Scorates của anh Tấn, và giá trị mà mình rút ra là khi muốn hỏi đến cùng một sự việc phải tạo được sự an toàn về tâm lí cho người được hỏi, phải kiên nhẫn, thấu hiểu được họ để xem họ muốn gì và nghĩ gì.”
Buổi OpenTalk với chủ đề “Hỏi thế nào để giỏi?” đã giúp thành viên Eway thấy được tầm quan trọng của việc chủ động hỏi và đặt câu hỏi đúng. Trong thời đại 3 giật hiện nay: Giật tít, Giật gân, Giật mình thì việc kiểm tra lại các dữ liệu thông tin bằng những câu hỏi đúng sẽ giúp chúng ta tránh khỏi tình huống dở khóc dở cười.
Dưới đây là nội dung slide chi tiết trong bài chia sẻ của anh Dương Trọng Tấn:
Bài: Thu Hương – Ảnh: Dương Mol
Link chia sẻ 12 giờ