Trung thu ấm áp nhất khi ở bên gia đình

14/09/2020

Cho dù mỗi thời mỗi khác, dù cách thưởng thức của mỗi người cũng khác nhau nhưng Trung thu vẫn là ngày hội mang ý nghĩa thiêng liêng của trẻ con, đó là ngày tết của thiếu nhi.

Trong tâm trí của nhiều người thuộc thế hệ cách đây vài mươi năm, Trung thu đi liền với hình ảnh nhộn nhịp của không khí chuẩn bị từ đầu tháng 8. Hồi ấy, người ta không phải tốn nhiều tiền để có được cái lồng đèn cho trẻ nhỏ.

Hầu như nhà nào cũng tự làm đèn Trung thu cho trẻ con trong nhà. Sườn của lồng đèn làm bằng thân tre vuốt sạch. Lồng đèn có thể được làm mang hình của cá chép, con gà… hay chiếc xe tăng, con thuyền… Nhưng thông dụng, dễ làm, được mọi người ưa chuộng là chiếc đèn ngôi sao.

Chiếc đèn ông sao truyền thống trong ngày tết Trung thu.

Phủ bên ngoài khung tre là giấy pơ-luya hoặc giấy bóng kiếng đủ màu. Mỗi khi đốt đèn cầy lên, ánh nến rọi qua màu giấy mỏng, lung linh huyền ảo, thật thơ mộng trong tâm trí trẻ con.

Ở trường học, gần tới mùa Trung thu, thầy cô cũng dạy học sinh làm lồng đèn trong giờ học thủ công.

Lồng đèn được gắn vào một thanh tre như cái cần câu để trẻ nhỏ thắp đèn xách đi khắp xóm hát hò, vui đùa dưới trăng. Xách lồng đèn đi chơi, các em như lạc vào thế giới của chú Cuội chị Hằng. Thế giới thần tiên ấy đã nuôi dưỡng biết bao tâm hồn trẻ thơ lớn lên đẹp đẽ và nhân ái.

Ngày nay, Trung thu đã có phần khác xưa cùng với sự thay đổi của xã hội và cuộc sống.

Trẻ em ngày nay hầu hết trở nên xa lạ với những hình ảnh chuẩn bị đón Trung thu: cha vót tre làm lồng đèn, mẹ bày bột làm bánh, bà kể chuyện cổ tích chú Cuội, Chị Hằng. Giờ đây, không cần mất công sức để làm, trẻ em được cha mẹ ra chợ hoặc siêu thị mua cho những chiếc lồng đèn làm sẵn đủ màu sắc, đủ kiểu dáng. Nhiều loại còn có các chức năng tự động phát sáng, phát nhạc…

Trung thu bây giờ thường được tổ chức tập trung, hình thức, ít còn mang không khí ấm áp gia đình, làng xóm với tiếng trống lân rộn ràng, ngồi bên nhau nhau phá cỗ ngắm trăng, có đèn lồng, bánh nướng cùng tiếng hát rước đèn… vô cùng vui nhộn.

Cảm xúc ngắm trăng bây giờ cũng khác xưa. Ở thành thị, sự xuất hiện dày đặc của nhiều tòa nhà cao tầng… phố xá đông nghẹt người, ồn ào và náo nhiệt, những câu chuyện về chị Hằng, chú Cuội dần dần bị lãng quên khiến những nét đẹp truyền thống về tết Trung thu cũng với đi ít nhiều.

Tết Trung thu còn mang ý nghĩa của sự đoàn viên.

Cho dù mỗi thời mỗi khác, dù cách thưởng thức của mỗi người cũng khác nhau nhưng Trung thu vẫn là ngày hội mang ý nghĩa thiêng liêng của trẻ con, đó là ngày tết của thiếu nhi. Nó còn có ý nghĩa là ngày tết đoàn viên của gia đình, là dip để mỗi người thân có dịp quây quần bên nhau, thể hiện sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái, của người lớn đối với trẻ con. Chính tình yêu thương đó đã nuôi lớn tâm hồn con trẻ.

Do vậy, mỗi gia đình trong chừng mực nào đó hãy giữ gìn ý nghĩa thiêng liêng của ngày tết Trung thu cho trẻ thơ bằng những cuộc vui gắn kết tình thân trong mái gia đình ấm áp, hạnh phúc.

theo thegioitiepthi.vn

Link chia sẻ 12 giờ

Post Author: Do Pham Khac