Tôn trọng phát ngôn

13/06/2017

Một trong những vấn đề tôi thấy các lãnh đạo trẻ 25 – 30 tuổi gặp phải nhiều nhất là việc không giữ được uy tín của mình một cách trọn vẹn mà đa số gây ra bởi phát ngôn.

Có rất nhiều kiểu sai trong phát ngôn, nhưng hậu quả thì khá giống nhau, tất cả đều dẫn đến việc lòng tin của cấp dưới sụt giảm, uy tín trong quyết định và hành động kém đi. Nếu lãnh đạo đó không thay đổi hoặc phía trên không có hành động phù hợp, kết cục cuối cùng vẫn là phải thay thế lãnh đạo trẻ đó vì uy tín đã mất quá nhiều.

Tôi cho rằng trước khi bàn đến năng lực, bất kỳ lãnh đạo nào, đặc biệt lãnh đạo trẻ, hãy tìm cách tôn trọng phát ngôn của mình trước. Các lỗi như bịa chuyện, nói dối, dựng chuyện; sửa không khó vì tự bản thân người phát ngôn đã ý thức được mình đang làm điều không đúng. Khó nhất là những lỗi như bóp méo, a dua, làm hài lòng người khác; sửa rất khó bởi bản thân người phát ngôn không ý thức được mình đang làm sai.

Vậy nên làm như thế nào? Rút kinh nghiệm từ chính bản thân tôi, qua rất nhiều lần phải chịu hậu quả đau đớn vì phát ngôn sai, chỉ có một cách duy nhất “cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, không nâng sự thật lên, không hạ sự thật xuống, đảm bảo người nghe hiểu đúng nội dung mình muốn nói”, nếu không thể cung cấp được như thế, tốt nhất hãy không nói.

Một phát ngôn của mình, hành động của mình sẽ được mọi người đánh giá và lan truyền như sau. Một người A quan sát hoặc nghe được thông điệp từ mình, sẽ trao đổi với một người B. Thông tin sẽ bị thay đổi qua hai quá trình: quá trình (1) từ “sự thật” đi sang “sự ghi nhận thông tin của người A”, quá trình này bị can thiệp bởi “định kiến của người A về ta” và “năng lực lắng nghe/tiếp nhận thông tin của người A”. Quá trình (2) từ “sự ghi nhận thông tin của người A” đi sang “sự ghi nhận thông tin của người B”, quá trình này bị can thiệp bởi “năng lực trình bày của người A; “định kiến của người B về ta” và “năng lực lắng nghe/tiếp nhận thông tin của người B”. Cả hai quá trình này, “định kiến của mọi người về ta” chiếm một vai trò rất quan trọng trong cách họ tiếp nhận thông tin. Nếu ta không thể can thiệp được vào “năng lực lắng nghe/tiếp nhận thông tin” hay “năng lực trình bày” thì ít nhất ta có thể giữ “định kiến của mọi người về ta” ở mức tốt đẹp. Nếu định kiến là tốt, nó sẽ cứu chúng ta, nếu định kiến là xấu, nó sẽ tiêu diệt chúng ta. Mà định kiến thường từ ghi nhận lại những phát ngôn, những hành động ta đã làm. Vì vậy hãy phát ngôn cẩn trọng.

Có một lần, tôi vui miệng nói với bố mẹ “bên ABC đang tuyển dụng nhiều, trả lương cao, level của con mà sang bên kia là lương gấp ba”. Ba tháng sau, một ông anh họ hỏi tôi “nghe nói FPT mời em sang làm việc lương gấp ba mà em từ chối?”. Tôi thấy hoảng. Tôi tin rằng phụ huynh của tôi, với tính cách tôi biết nhiều năm, không bao giờ dựng chuyện. Anh họ của tôi là người tốt bụng không màu mè. Vậy mà thông tin đã thành như vậy. Tôi hiểu lỗi là do tôi, khi đã đưa thông tin một cách không cẩn trọng. Đây là một bài học nhớ đời.

Chúng ta khó có thể sống lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng ít nhất chúng ta có thể tôn trọng phát ngôn của mình. Điều này chỉ giúp ích cho chúng ta, không giúp ích cho ai khác cả.

P/S: nếu các bạn hứng thú với vấn đề này, hãy nghiên cứu các quy tắc Integrity

Hưng béo

Link chia sẻ 12 giờ

Post Author: admin