Design Thinking – Lớp học bổ ích và vui vẻ của người EWAY

06/07/2020

EWAY với tinh thần một startup với đội ngũ nhân lực nhiều người trẻ, luôn có tinh thần chủ động ham học hỏi, tìm tòi những cái mới. Gần đây người dân EWAY đang rộn ràng cắp não đi học về Design Thinking với sự hướng dẫn của anh Phạm Phương Tú, anh Hoàng Mạnh Tiến, anh Từ Tất Huân và anh Nguyễn Thành Long. Cùng Hóa BV ngó xem có gì hay ho trong các lớp học này nhé.

Design Thinking là gì? 

Design Thinking là phương pháp làm việc hợp tác phát triển sản phẩm thuần túy mang tính sáng tạo. Đây là phương pháp của của trường Stanford, với giáo trình của IDEO và xuất phát chủ yếu từ Silicon Valley. Được ra đời từ những năm 1960, Design Thinking đã được sử dụng bởi các tập đoàn lớn trên thế giới

CEO của IDEO, Tim Brown, nói rằng: “Design Thinking là cách tiếp cận vấn đề lấy con người làm trung tâm nhằm xây dựng các giải pháp đổi mới sáng tạo, kết hợp nhu cầu của con người, khả năng của công nghệ, và những yêu cầu cho sự thành công của doanh nghiệp”.

Việc tư duy như một nhà thiết kế có thể thay đổi các các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ, quá trình hoạt động hay thậm chí là chiến lược kinh doanh. Phương pháp tiếp cận vấn đề mà IDEO gọi là Design Thinking này, bắt đầu từ những mong muốn của con người, kết hợp với tính khả thi của công nghệkhả năng phát triển kinh tế. Design Thinking giúp cho mỗi người chúng ta có thể tư duy một cách sáng tạo để giải quyết các vấn đề phức tạp trong công việc và cuộc sống.

Design Thinking dựa vào khả năng trực giác của con người, để nhận ra các khuôn mẫu tư duy hành động và để xây dựng các ý tưởng hợp với mong muốn và có giá trị sử dụng.Tư duy thiết kế hay Design Thinking giúp giải quyết vấn đề thông qua việc thấu hiểu con người, kiểm chứng liên tục, và không ngừng hoàn thiện giải pháp. Như David Kelley, người sáng lập IDEO nói, tư duy thiết kế không phải là một con đường tuyến tính, “đó là việc liên tục quay trở lại các bước phía trước trong cả quá trình để kiểm chứng và hoàn thiện”.

Design Thinking là một quá trình lặp đi lặp lại, không phải quá trình tuyến tính.

Design Thinking và các bài toán của EWAY. 

Cách tư duy truyền thống là sử dụng logic để giải quyết vấn đề, nhưng cách tư duy này lại có mặt hạn chế khi tìm kiếm ý tưởng. Là một công ty công nghệ, EWAY cần nắm bắt tình hình và thay đổi liên tục, thế nên với Design Thinking tận dụng trực giác và cảm xúc của con người, mỗi người được tư duy sáng tạo hơn để tìm các hướng đi tốt hơn cho vấn đề của mình. Design Thinking áp dụng phối hợp giữa mọi người với nhau, nhấn mạnh tầm quan trọng của làm việc nhóm, cộng tác với nhau để sáng tạo. Tuy nhiên đối với mỗi team, bản chất công việc khác nhau, dẫn đến vấn để cần giải quyết cũng khác biệt.

Với team Tech, các giải pháp với Design Thinking bắt đầu với việc tìm kiếm vấn đề của người dùng. Đó là tìm hiểu nỗi lo và kỳ vọng của họ không chỉ bằng trao đổi trực tiếp mà còn từ việc quan sát người dùng tương tác với sản phẩm. Bằng việc đưa cho người dùng trải nghiệm sản phẩm, ta tìm ra được khuôn mẫu tốt để triển khai.

Từ góc nhìn của anh Tú, vận dụng Design Thinking giúp các bạn làm sản phẩm giảm được “cái tôi” trong thiết kế và tránh bỏ quên khách hàng khi làm sản phẩm. Trước đây, khi thiết kế, ta thường lấy trọng tâm là những mong muốn của bản thân thay vì khách hàng. Tức là thiết kế dựa trên nguồn tài liệu, thấy cái này hay, thấy cái kia quan trọng sẽ làm mà không để ý nó có thực sự hữu ích với người dùng hay không. Việc đặt mối quan tâm của bản thân lên trên nhu cầu của người cần giúp đỡ khiến các sản phẩm thiết kế ra gặp nhiều lỗi hay không đáp ứng được nhu cầu của người dùng, gây thất vọng cho chính người làm sản phẩm. 

Với Design Thinking, ta dừng cãi nhau với ý kiến chủ quan “Tôi thấy nó đúng”, vì ta thấy như thế nào không quan trọng, quan trọng nằm ở câu hỏi “Khách hàng muốn gì”. Tập trung vào câu hỏi này khi giải quyết bài toán dẫn đến thành quả là sản phẩm ít sai hơn, tỉ lệ thành công lớn hơn, chất lượng sản phẩm đầu ra tốt hơn do ta biết đâu là điểm cần tập trung.

Vấn đề trong câu chuyện của các team kinh doanh và marketing lại nằm ở chỗ khác. Các bạn quản lý trẻ tuổi của EWAY luôn năng động và nhạy bén với cái mới, song có những vấn đề của team lại chưa xử lí được triệt để. Ví dụ như giao tiếp trong team, việc sáng tạo và thúc đẩy năng lượng, hay việc gắn kết của cả team với nhau. Chính bởi thiếu gắn kết và sự thiếu hiệu quả trong giao tiếp giữa các thành phần trong team, các team leader thường không biết vấn đề của team là gì hay làm sao để tìm ra vấn để đó.

Các buổi workshop Design Thinking giúp các team giải quyết vấn đề này bằng cách tạo hoạt động với chủ đề “Hope and Fear” (Hy vọng và Nỗi sợ) – nơi mọi ý kiến đều trung lập. Trong hoạt động này, mỗi người đều được nói ra ý kiến của mình, và mọi ý kiến đều được lắng nghe. Mục tiêu của hoạt động là có thể xóa bỏ môi trường nơi “quản lý nói – nhân viên làm” vì đó là môi trường không ủng hộ cho sáng tạo, hợp tác. Trong buổi workshop, mọi người được đưa ra ý kiến, trao đổi thảo luận và được đánh giá công khai. Khác với ngày xưa khi chỉ một ông nói ý tưởng rồi mọi người thực hiện, mọi ý kiến sẽ được lắng nghe và bầu chọn bằng nhiều cách: dot voting, finger voting, visual voting với sticker. Chính trong quá trình thảo luận bình chọn công khai này, các bạn quản lý có cơ hội để quan sát, nhìn ra các vấn đề của team mình mà trước đây không ai nói ra. Đôi khi những vấn đề mà người lãnh đạo cảm thấy lại không phải là vấn đề đối với các thành viên team. Ví dụ quản lý cho rằng vấn đề của team là tính chủ động, nhưng với mọi người, vấn đề lại là team chưa đủ gắn kết. Thứ tự giải quyết sẽ là vấn đề nào phần đông các team member cảm thấy quan trọng nhất sẽ được ưu tiên, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc team mình muốn gì, chứ không phải là quản lý muốn gì. Sau các hoạt động này mỗi người đều có góc nhìn mới và output mới.

Câu chuyện dạy và học của các anh thầy có tâm và các bạn học trò EWAY. 500w

Các buổi workshop chia sẻ về kiến thức Design Thinking và cách áp dụng các kiến thức này vào thực tế được thực hiện bởi nhóm 4 người: anh Tú, anh Tiến, anh Long và anh Huân. Trong đó anh Tú và anh Tiến là những người set up đầu tiên cũng như dành nhiều thời gian nhất cho các buổi workshop này. Mong muốn của anh Tú là đẩy các anh em để có thể dạy chuyên sâu hơn.

Workshop Design Thinking tới giờ đã được tổ chức cho 5 team và bộ phận: MasOffer, FEDORA, team Tech, team Inhouse, và team Community. Các buổi workshop cung cấp phương pháp tư duy, nhưng áp dụng được nhiều hay ít lại dựa vào sự chủ động của mỗi team. 

Anh Linh team Tech chia sẻ, lần đầu tiếp xúc với Design Thinking anh có  nhiều tò mò. Quan trọng nhất, sau buổi chia sẻ, anh có những góc nhìn mới trong công việc. Ví dụ, với biểu đồ Empathy, anh hiểu được rõ ràng hơn nhu cầu của những người nhận thiết kế của mình. trước đây khi làm sản phẩm cho Telesales, thông tin sẽ được đưa từ người dùng, chính là các bạn trong team, chuyển qua team lead, rồi Admin, sau đó anh sẽ trao đổi với Admin để làm sản phẩm. Chính vì chuyển giao qua nhiều bước như vậy nên thông tin ban đầu bị sai lệch ít nhiều, dẫn đến người làm sản phẩm không hiểu nhu cầu của người cần sản phẩm. Thiết kế hoàn thành cũng không thể đạt hoàn toàn yêu cầu đề ra. Việc sửa đổi lại cách trao đổi giữa các bên giúp cho thông tin minh bạch, đa chiều hơn, vì thế công việc của anh được hoàn thành nhanh chóng với hiệu quả và chất lượng cao hơn.

Empathy Map

Design Thinking cũng giúp anh cải thiện lượng thông tin đạt được từ khách hàng. Việc chỉ sử dụng câu hỏi khảo sát là không đủ bởi vì những gì khách hàng nói chưa chắc là những gì khách hàng cần, hay đôi khi là bởi khách hàng không phải dân xây dựng sản phẩm nên không thể mô tả chính xác nhu cầu của mình. Điều này đòi hỏi sự chủ động của người làm sản phẩm, đứng ở vai trò người dùng để xác định được bài toán của mình. Nhờ cách tư duy này, chất lượng dự án được cải thiện đáng kể.

Lớp học nhiều màu sắc…

Còn với chị Minh Anh MO, điều đầu tiên chị ưng là các buổi workshop chính là cơ hội để chị được tham gia các hoạt động ngoài không gian văn phòng. Các hoạt động thú vị trong buổi workshop khiến cho các biểu đồ kiến thức không hề khô khan và dễ tiếp thu. Các kiến thức được đề cập trong buổi workshop tuy chị đã từng tiếp xúc và sử dụng qua, nhưng dưới sự hướng dẫn của các anh thầy, chị lại nhận ra được các cách hiểu khác khi đặt vào hoàn cảnh công việc. Quy tắc hay ho nhất trong buổi học đối với Minh Anh là “Không đánh giá”, tức là mọi người có thể thoải mái nói lên suy nghĩ của mình dù nghe có vẻ ngốc nghếch đi chăng nữa. Bởi vì khi mọi người có thể thoải mái nói lên suy nghĩ của mình thì sự sáng tạo và kết nối mới có thể phát triển. Sau buổi chia sẻ của anh Tiến và anh Tú, chị hiểu thêm về cách suy nghĩ của mọi người trong team mình và làm sao để mọi người có thể gắn kết hơn nữa. Chị Minh Anh mong sẽ còn nhiều buổi học vui vẻ và bổ ích như thế này nữa trong tương lại và cũng hy vọng sẽ được học cùng với các team khác, để chị có cơ hội quan sát cách làm việc của các team có thể học được từ các bạn khác chứ không chỉ là từ người chia sẻ.

…. và rất nhiều nụ cười.

Phản hồi của bạn Hưng PingGo khi được hỏi về cảm nhận với các buổi workshop rất tích cực. Design Thinking giúp bạn hiểu rõ hơn về con người, cách làm việc cũng như quy trình công việc của mình. Và bởi vậy bạn nhìn ra vấn đề nên làm như nào để đạt hiệu quả cao nhất. Hơn thế nữa, phương pháp tư duy cũng giúp bạn nhận ra cách làm việc nào phù hợp với mọi người và cách làm việc nào hiệu quả với chính mình. Ban Hưng mong muốn EWAY sẽ còn nhiều nhiều các buổi học như thế này nữa với nhiều chủ để đa dạng để bạn có cơ hội nâng cao trình độ cá nhân cũng như kĩ năng sống.

PingGo đi học với sự hướng dẫn của anh Tiến và anh Huân.

Những kỳ vọng và mong muốn của anh thầy Phạm Phương Tú

Anh Tú chia sẻ, từ trước đến nay, việc giảng dạy ở công ty chưa có hệ thống. Các lớp học được đưa ra chủ yếu bởi anh thấy chỗ nào cần thì làm chứ không có định hướng.Vậy nên anh Tú và đồng đội đang xây dựng một chương trình LnD (Học tập và Phát triển) cho EWAY. Mục đích của chương trình là xác định được mục tiêu của các công ty và mong muốn của nhân viên, và sau đó tìm điểm chung của hai bên để có thể kết nối và cùng nhau phát triển. 

Anh Tú cũng rất hoan nghênh sự hỗ trợ từ các công ty và nhân sự. Việc tư vấn top down để rõ ràng về mục tiêu của EWAY có thể giúp anh có định hướng xây dựng chương trình có tính thống nhất giữa các bên, đều làm việc vì mục tiêu chung, ví dụ như các chương trình tài năng để tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng. Anh Tú cũng rất vui nếu được hỗ trợ về mặt con người, tức là khi các anh cắp sách đi dạy sẽ có bạn giúp set up cơ sở vật chất, hay thêm nhân lực bổ sung vào đội ngũ trợ giảng hay học sâu hơn để có thể đứng lớp cùng các anh.

Đã được học được chơi lại còn được ăn sướng quá đây này !!!

Anh Tú cũng mong rằng, sự chia sẻ của các anh không chỉ từ một phía. Anh mong rằng các học trò EWAY của mình có thể có văn hóa phát triển cởi mở hơn, chia sẻ nhiều hơn. Bởi học để dạy còn phải tìm hiểu sâu hơn học để làm, vì thế anh mong các học trò của mình năng động hơn trong việc tìm tòi kiến thức và chủ động hơn khi chia sẻ.

Xin phép trích nguyên văn từ tường Facebook anh Tú: 

“Làm Design Thinking workshop cho mỗi bộ phận / công ty lại gặp những con người mới, có những câu chuyện mới, vấn đề mới, hi vọng mới và kết quả mới. Trong cái phòng vui nhộn nơi con người được lắng nghe và đồng cảm, nơi mọi ý tưởng đều được ghi nhận và trân trọng thì tích đủ lượng sẽ thành chất, sự sáng tạo và cái mới sẽ xuất hiện”.

Với sự nhiệt tình của cả 2 phía: người chia sẻ và người nhận kiến thức, hy vọng các buổi workshop vui vẻ và bổ ích này sẽ còn xuất hiện nhiều hơn nữa để dân EWAY vừa được học vừa được chơi.

Linh Chi Phi Công

 

Nguồn tham khảo:

https://www.ideou.com/blogs/inspiration/what-is-design-thinking

https://www.ideou.com/pages/design-thinking

 

Link chia sẻ 12 giờ

Post Author: Do Pham Khac