Mình gọi câu chuyện của cô là Ngưu Lang – Chức Nữ. Có lẽ họ chỉ tạm thời xa cách nhau, và cô luôn tin rằng rồi sẽ gặp lại Ngưu Lang của mình.
Hai mươi năm về trước, ở một tỉnh phía bắc, có hai người yêu nhau. Người con trai vốn là con nhà gia thế, phong độ, đẹp trai, lỡ đem lòng yêu cô gái nghèo xinh đẹp, nguyện lấy cô làm vợ. Cuối cùng, họ vượt qua mọi ngăn cấm, cùng xây nên một gia đình nhỏ với cái giá phải trả là không bao giờ được bước chân vào nhà chàng trai nữa. Thế rồi, người vợ trẻ sinh hạ một bé trai, và sau đó vài năm, em bé cuối cùng cũng đã trở thành cây cầu hóa giải mọi cấm đoán của hai gia đình nội ngoại. Câu chuyện tưởng sẽ kết thúc có hậu như những gì cổ tích đã viết. Nhưng rồi…
Vào một buổi chiều, một cơn đột quỵ đã đánh gục người bố trong gia đình. Ông hoàn toàn chìm vào cơn hôn mê. Toàn bộ vốn liếng tích cóp của gia đình rồi các bên nội ngoại, đều lần lượt dốc cạn cho những chẩn đoán, chữa trị, kéo dài nhiều ngày, tiếp nối đó là nhiều tháng. Rồi cũng chỉ còn chiếc máy thở và tình yêu của gia đình, là sợi dây níu giữ hơi ấm của người bố với cuộc sống.
Ngày qua ngày, cơn hôn mê không hề biến chuyển. Biến cố không còn “hot” nữa. Những thăm hỏi cạn dần vì ai cũng có những câu chuyện cá nhân cần lo lắng xử lý hàng ngày.
Chỉ có chí phí chữa trị là tăng dần lên theo thời gian
Bọn mình đã có cơ hội gặp người mẹ trong câu chuyện ở thời điểm sau khi người bố bị nạn khoảng 4 tháng. Với gần 120 đêm trong viện, người phụ nữ mình gặp thực sự đã đem lại bất ngờ cho bọn mình. Trong suốt thời gian nói chuyện, không một câu lo buồn vì cuộc sống, cô nói về những kỷ niệm của gia đình, và luôn hướng về người đàn ông trên giường bệnh với vẻ dịu dàng đến kỳ lạ. Cô cứ thoăn thoắt, vừa nói chuyện, vừa kiểm tra nhiệt độ, vừa nắn bóp chân tay, rồi nựng nịu má chồng mà rằng:
“Anh ơi, bạn của thằng Cò đến thăm anh này”.
“Cò, con ra nói chuyện với bố đi, bố nhớ giọng con lắm đấy”
“Con thấy không, bố nhận ra giọng con đây này”
“Anh nhỉ, còn đứa nào rơi vãi ở đâu, anh gọi về cho thằng Cò nhận anh nhận em đi, kẻo nó sắp lấy vợ rồi chúng mình ở không lại buồn”.
Và cũng không thể tin nổi, người vợ vốn chỉ bán hàng ở chợ, giờ đây thành thạo từ việc thay kim truyền, đến các thao tác sơ cấp cứu phức tạp. Thông thuộc từ tác dụng từng loại thuốc đến các thông tin nơi bán thiết bị y tế rẻ, thậm chí chính cô đã trở thành người hướng dẫn thủ tục cho toàn bộ các bệnh nhân ở cùng khoa chăm sóc đặc biệt. Và thậm chí cô cũng là người mắng khi người nhà của bệnh nhân giường bên nản lòng, cẩu thả trong việc chăm sóc người ốm.
Gần 1 năm kể từ ngày biến cố, bệnh nhân cũng không còn “hot” ở viện. Rồi thì cũng phải trả giường cho những bệnh nhân mới hơn. Người chồng được chuyển về nhà kèm với một hộ lý chuyên nghiệp còn có tên gọi khác là vợ. Chi phí hàng ngày không còn được gọi là chi phí chữa bệnh nữa, mà chuyển thành chi phí duy trì sự sống, và nó vẫn đều đặn tăng lên.
Mình luôn nghĩ rằng, có lẽ với người phụ nữ mạnh mẽ ấy, hạnh phúc hàng ngày của cô, là điều mà mọi người ai ai cũng có nhưng không phải ai ai cũng biết. Đó là được cảm nhận hơi thở đều đặn, được chạm vào ấm áp của nhiệt độ trên cơ thể người đàn ông của mình mỗi ngày. Và cô vẫn toát ra sự dịu dàng chăm sóc, cưng nựng như thế. Như thể chờ người đàn ông của gia đình tỉnh lại, vì rằng người ấy mới chỉ thiếp đi vài giờ đồng hồ do quá mệt mà thôi…
Mình không biết liệu đây có thể coi là minh chứng của tình yêu chưa. Nhưng mình biết là, mỗi chúng ta, chỉ cần một chút thôi, là sẽ giúp cho đoạn tình cảm ấy của người vợ – người chồng được kéo dài thêm. Chỉ để cô biết rằng, mỗi sáng tỉnh dậy, cô không cô đơn trong căn nhà, và không phải loay hoay co kéo với cơm áo gạo tiền của cuộc sống.
Người con trai của gia đình ấy, là một thành viên của Eway. Đã một lần chúng ta chung tay giúp, nhưng nếu chưa đủ thì liệu chúng ta có thể giúp thêm lần nữa, và rồi nhiều lần nữa? Đơn giản chỉ là vì những người ấy, họ là người ở ngay cạnh chúng ta, và họ vẫn cần chúng ta. Thì liệu có thể nào buông tay chăng?
Diệu Quyên
Link chia sẻ 12 giờ