Nhiều người có suy nghĩ rằng, những coder trong công ty công nghệ là những người “cày trâu,” cuộc sống chỉ xoay quanh những dòng code và ngôn ngữ lập trình. Nhưng ít ai biết rằng bạn Nguyễn Đức Hùng, người phụ trách technical cho MasOffer, lại là một người theo đuổi một môn nghệ thuật khá mới tại Việt Nam, Calligraphy.
Đọc đến đây, chắc hẳn nhiều người sẽ khá ngạc nhiên khi biết bạn Hùng lại có một sở thích “nghệ sĩ” như vậy. Thực ra, hồi nhỏ, Hùng đã có suy nghĩ sẽ theo đuổi ngành kiến trúc giống như bố mình vì bản thân có năng khiếu vẽ và thích vẽ. Thế nhưng, khi có cơ hội sử dụng chiếc máy tính bố mua về mà không dùng, Hùng càng ngày càng hứng thú với công nghệ thông tin, và niềm yêu thích đó đủ lớn để khiến bạn ấy theo học CNTT và trở thành một coder hôm nay. Sau khi lên đại học, vì không có thời gian theo học các lớp vẽ, Hùng đã phát hiện và tự tìm hiểu về Calligraphy, một bộ môn chuyên sâu về các kiểu chữ và có truyền thống lâu đời.
Theo như Hùng giải thích, Calligraphy bao hàm rất nhiều thứ chứ không hẳn chỉ là “Thư pháp. ” Có thể hiểu nôm na Calligraphy là “nghệ thuật sử dụng chữ để truyền tải nội dung.” Đây là nghệ thuật viết tay, dùng giấy, bút, mực để viết lên những văn bản “đẹp như in” với các kiểu chữ có quy chuẩn riêng. Bộ môn này sử dụng rất nhiều kiểu chữ, chẳng hạn như Copperplate hay là Spencerian, Italic, Roman, vv.
Một tác phẩm Calligraphy từ người thầy sinh năm 93 của Hùng
Mỗi kiểu chữ chỉ phù hợp với một hoàn cảnh, một văn phong thôi chứ không thể “cứ thích chữ gì thì viết được.” Ví dụ như Black Letter chỉ dùng để viết Kinh thánh, chứ không thể dùng để viết văn bản hàng ngày. Hùng chia sẻ: “Mình hay tập kiểu chữ Business Cursive, nó là một kiểu chữ của Mỹ, ngày xưa được phát triển cho kế toán dùng cho viết nhanh trong Business, vì thế nó dùng được trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế mình muốn tập viết kiểu chữ này trước.”
Một tác phẩm sử dụng kiểu chữ Business Cursive của bạn Hùng. Đây là kiểu chữ được ưa chuộng trong các văn bản thường ngày.
Trong Calligraphy có rất nhiều kiểu chữ, nhưng chúng đều có quy chuẩn. Vì vậy, đây là một môn nghệ thuật rất chặt chẽ về quy tắc. Tuy nhiên, Calligraphy cũng cho phép người viết sáng tạo với tác phẩm của mình. Người viết có thể kết hợp một số hoa văn, hoạ tiết khác, gọi là flourishing, để trang trí thêm cho tác phẩm của mình khi đã thông thạo các quy tắc của kiểu chữ.
Hãy cùng chiêm ngưỡng thêm một vài tác phẩm Calligraphy Hùng chọn ra để chia sẻ cùng chúng ta nhé!
Thời gian rảnh, Hùng thường viết Calligraphy như một hình thức để thư giãn. Đây là kiểu chữ Italic (chữ to) và Roman (chữ nhỏ).
Đây là một biến thể của kiểu chữ Italic kết hợp cùng kiểu chữ Roman.
Tác phẩm này sử dụng một biến thể khác của kiểu chữ Italic. Có rất nhiều biến thể cho kiểu chữ này. Kiểu chữ Italic là kiểu chữ nghiêng một góc 45 độ và xuất hiện lần đầu từ những năm 1500.
Thông thường, Hùng dành 15 – 30 phút để hoàn thiện một tác phẩm và cần nhiều thời gian hơn để chép lại một bài thơ hoàn chỉnh.
Hùng thích tìm những câu danh ngôn của danh nhân thế giới làm chủ đề cho các tác phẩm của mình
Sau buổi nói chuyện với bạn Hùng, tôi đã được mở mang hơn về môn nghệ thuật Calligraphy còn mới mẻ ở Việt Nam này. Calligraphy yêu cầu tính kỉ luật cao, và đồng thời cả sức sáng tạo của người viết để tạo ra những tác phẩm mang phong cách riêng. Qua đó, tôi cũng hiểu thêm phần nào con người bạn Nguyễn Đức Hùng, một coder tài hoa và nghệ sĩ. Và EWAY là vậy, là nơi hội tụ của những người trẻ trung mang đầy nhiệt huyết và bất ngờ, phá vỡ những định kiến và rào cản để không ngừng tạo nên những giá trị mới.
Bài viết: Thảo Phạm
Ảnh: Nguyễn Quang Tú; Nguyễn Đức Hùng
Link chia sẻ 12 giờ