Dẫu biết rằng “thị hiếu” của mỗi bạn đọc là khác nhau nhưng đôi lúc tôi cứ cảm thấy buồn buồn, vì đôi khi có những cuốn sách hay được cả thế giới đón nhận thì đến lúc được xuất bản tại Việt Nam, chẳng mấy bạn đọc biết tới và chỉ sau một thời gian ngắn là bị chìm nghỉm trước hằng hà sa số những đầu sách tiểu thuyết trinh thám, ái tình hay dạy kinh doanh, làm giàu đang bán chạy khác.
Từ góc nhìn của tôi, cuốn Đối thoại với Thượng đế của Neal Donald Walsch cũng đã rơi vào trường hợp như vậy. Thậm chí, Nhã Nam – công ty chịu tránh nhiệm chính trong việc cho ra đời cuốn sách, hình như cũng không mặn mà lắm với việc tiếp thị chút ít cho tác phẩm đầy giá trị này.
Đúng như tựa đề của tác phẩm, đây là cuốn sách ghi lại “một cuộc đối thoại kỳ lạ” giữa tác giả và Thượng Đế từ chính ngòi bút của ông. Việc này nghe có hơi vẻ điên rồ và ảo tưởng, nhưng nếu bạn cũng luôn bị “ám ảnh bởi một số câu hỏi cốt tử về cuộc sống hàng ngày” như tôi thì hãy gác lại những định kiến của mình để thử đọc vài trang đối thoại đầy trí tuệ và dí dỏm trong cuốn sách này.
Không biết với người khác thì thế nào chứ với tôi thì những tri thức mà cuốn sách đem đến đã thoả mãn mọi khát khao được biết của tâm hồn mình. Tôi chưa đọc tác phẩm nào lại nói cho người ta biết rõ ràng và thuyết phục đến thế về nhiều vấn đề vẫn được tranh cãi từ bao đời. Bạn có thể tìm thấy trong cuốn sách này câu trả lời cho các vấn đề như Thượng đế thực sự là ai, Con người thực sự là ai, Địa gục thực sự là gì, mục đích sống thực sự của Con Người là gì, đâu là cốt tủy của mọi tôn giáo, người ta phải làm gì để đời mình “cất cánh”, đam mê có nghĩa là gì, từ bỏ có nghĩa là gì, bản chất của mọi mối quan hệ là gì, cái chết thực sự là gì…
Tìm hiểu về tâm linh và tôn giáo trong 5, 6 năm qua, nhân sinh quan của tôi ảnh hưởng nhiều bởi những quan niệm của nhà Phật. Nhưng đâu đó trong tâm hồn, tôi vẫn thấy giáo lý nhà Phật vẫn chưa thỏa mãn được những băn khoăn, khắc khoải của mình. Trong cảm nhận của tôi, tư tưởng Phật vẫn chưa thể giúp tâm hồn mình vượt thoát được. Chỉ đến khi đọc Đối thoại với Thượng đế, tâm hồn tôi mới được “chắp cánh”, bay lên và bứt phá khỏi mọi tư tưởng giáo điều, nhẹ nhàng chao liệng trên bầu trời tự do của Chân lý. Tôi đã tìm thấy trong nội dung cuốn sách này cốt lõi tư tưởng của đạo Phật, đạo Kitô, đạo Bà La Môn… và tri thức để tâm hồn mình siêu việt lên các tôn giáo ấy.
Khi đọc xong cuốn sách, tôi mới hiểu vì sao cuốn sách lại có thể nằm trong danh sách best-seller của tờ The New York Times suốt 137 tuần. Tôi tự nhủ rằng: “Nếu nói rằng đây là cuốn Kinh Thánh cho Thời Đại Mới (New Age) thì cũng không quá.” Trao đổi với tôi qua email, dịch giả Nguyễn Trung Kỳ – người đã chuyển ngữ trôi chảy tuyệt vời tác phẩm này chia sẻ: “Tôi hy vọng bạn sẽ đọc cuốn sách nhiều lần để cảm nghiệm được sức mạnh giải phóng của nó.” Nghe lời anh, tôi đã kiên nhẫn đọc đi đọc lại nhiều lần từng đoạn một, từng chương một. Càng đọc, tôi càng thấy rằng mình không thể đọc nhanh nếu như không muốn bỏ sót hay cảm nhận vẻ đẹp hết của những viên ngọc tri thức trong tác phẩm.
Tôi nghĩ triết gia Ấn Độ Vivekananda cũng không quá cực đoan khi nói rằng: “Chỉ nên đọc sách của những người đắc đạo, còn bao nhiêu sách vở trên đời đều nhảm nhỉ cả.” Bởi đôi khi chỉ cần thấm nhuần tư tưởng của một cuốn sách minh triết như Đối thoại với Thượng Đế cũng đủ để sáng tỏ cả cuộc đời.
Một số trích dẫn hay
1. Ý Nghĩ Cao Nhất luôn luôn là ý nghĩ chứa đựng niềm vui. Lời Nói Rõ Ràng Nhất là lời nói chứa đựng sự thật. Cảm Giác Lớn Lao Nhất là cảm giác mà ngươi gọi là yêu thương.
2. Mọi người, ai cũng đặc biệt, và mọi giây phút đều là vàng ngọc. Không có người nào và không có lúc nào đặc biệt hơn người khác, lúc khác.
3. Bí mật sâu xa nhất: Đời sống không phải là một tiến trình khám phá, mà là một tiến trình sáng tạo…
4. Chỉ có duy nhất một lý do để làm điều gì đó, một lời khẳng định với vũ trụ: Ngươi Là Ai.
5. Hỏa ngục là đối nghịch với niềm vui. Nó là sự bất toàn. Hỏa ngục là biết được Ngươi Là Ai và Là Gì, nhưng lại không kinh nghiệm được điều đó. Nó là bị kém. Đó là hỏa ngục, và ở đó, không còn gì là lớn hơn cho linh hồn ngươi nữa.
6. Đôi khi con người ta phải phải tiến hành chiến tranh để đưa ra lời khẳng định lớn nhất về người mà họ thực sự là: một con người kinh tởm chiến tranh.
7. Sự sống, tự bản chất của nó, không thể có được bảo đảm. Bằng không, toàn bộ mục đích của nó sẽ bị bóp nghẹt.
8. Yêu thương là thực tại tối hậu. Nó là thực tại tối hậu duy nhất. Là tất cả. Cảm giác yêu thương là kinh nghiệm của ngươi về Thượng đế.
Theo Đỗ Hoàng Tùng – triethocduongpho.net
Link chia sẻ 12 giờ