Samuel Smiles có câu: “Gieo suy nghĩ, gặt hành động; Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách; Gieo tính cách, gặt số phận.” Quả đúng như vậy, thói quen là yếu tố rất quan trọng tạo nên tính cách của mỗi con người, từ tính cách chúng ta sẽ khẳng định bản thân mình là ai, ta đóng góp được gì cho xã hội.
Who I am? là câu hỏi tôi luôn đặt ra cho bản thân mình. Câu trả lời luôn là: Tôi muốn trở thành một người thành đạt, một người tự tin và đóng góp được nhiều giá trị cho xã hội. Tôi đã tìm đến cuốn sách “7 thói quen để thành đạt” của tác giả Stephen R.Covey như kim chỉ nam cho cuộc sống của mình. Hãy cùng tôi khám phá 7 thói quen này nhé, tôi tin rằng ít nhiều nó sẽ hữu ích cho bạn đó.
Thói quen thứ nhất: Luôn chủ động
Chủ động chính là khả năng tự đưa ra các quyết định một cách khách quan, không bị các yếu tố bên ngoài hoặc cảm xúc (yêu, ghét) tác động. Việt Nam ta có câu “Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”. Cảm xúc chi phối cách chúng ta ứng xử với nhau, cách chúng ta chọn lựa ký hợp đồng với đối tác A hay đối tác B. Một người chủ động sẽ sáng suốt, khách quan trong quyết định; đối tác A gây ấn tượng tốt hơn, đối tác B lại có dịch vụ vượt trội hơn hẳn. Đây chính là điều chúng ta cần đặt lên bàn cân.
Người chủ động là người biết nhận trách nhiệm về bản thân. Thông thường khi gặp rắc rối, chúng ta rất dễ đổ lỗi cho đồng nghiệp, cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho mọi người không thông cảm cho chúng ta nhưng xin hãy khoan than phiền, hãy tập trung vào bản thân mình. Chúng ta chỉ có thể thay đổi những gì thuộc về chúng ta, những điều nằm ngoài tầm kiểm soát thì rất khó để thay đổi.
Thói quen thứ hai: Bắt đầu từ mục tiêu đã được xác định
Bắt đầu từ mục tiêu đã được xác định có nghĩa là thực hiện các vai trò khác nhau trong cuộc đời với những giá trị và phương hướng rõ ràng. Cách hiệu quả nhất để bắt đầu từ một mục tiêu đã được xác định đó là thiết lập “Tuyên ngôn sứ mệnh cá nhân”. Dưới đây là bản Tuyên ngôn sứ mệnh cá nhân của bản thân tôi:
Trở thành một phụ nữ thành công trong sự nghiệp và cuộc sống gia đình.
Ngôi nhà của tôi là nơi mà ai đến cũng cảm nhận được sự ấm áp, hòa hợp với thiên nhiên, thật sự thoải mái.
Luôn tôn trọng, chân thành với mọi người.
Nỗ lực tạo ra sự kết nối, tạo ra các vòng trong quan hệ thật bền vững và có giá trị.
Luôn tích cực, lạc quan.
Luôn tự học, nỗ lực phát triển bản thân tối đa.
Không ngừng tạo ra nhiều giá trị kết nối cộng đồng.
Không chỉ có cá nhân mà gia đình hoặc tổ chức cũng nên có những tuyên ngôn, bộ quy tắc của riêng mình. Điều này sẽ như lời khẳng định với các thành viên về sự cam kết của tổ chức đó với những giá trị mà mình mong muốn tạo dựng.
Thói quen thứ ba: Ưu tiên cho phần quan trọng nhất
Nhắc đến thói quen này, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ nghĩ ngay đến các mô hình quản trị thời gian. Ta hãy cùng điểm lại 4 thế hệ lý thuyết về quản trị thời gian:
- Thế hệ thứ nhất: dung các mảnh giấy để ghi chú, liệt kê công việc => cố gắng ghi ra các nhu cầu
- Thế hệ thứ hai: các loại lịch công tác, sổ ghi chép cuộc hẹn => nhìn xa hơn, lập kế hoạch cho tương lai
- Thế hệ thứ ba: đưa mức độ ưu tiên, tính cấp bách của sự việc để ra quyết định => lập kế hoạch quản lý thời gian chi tiết
- Thế hệ thứ tư: nhận thấy cách thức quản trị thời gian trở nên gò bó, mệt mỏi. Vấn đề ở đây không phải là quản trị thời gian mà là “quản lý bản thân”. Mục tiêu cần giải quyết được là sự cân bằng P/PC (Product/Personal Capacity) tức là công việc/khả năng giải quyết của bản thân.
Chính bản thân bạn sẽ quyết định ưu tiên cho phần công việc nào dựa trên nội tại công việc và khả năng đáp ứng của bản thân bạn chứ không phải vì tầm quan trọng hay tính cấp bách của công việc đó. Nhờ vậy, bản thân công việc sẽ được giải quyết một cách hiệu quả hơn.
Thói quen thứ tư: Tư duy cùng thắng
Chúng ta thường được nghe “win-win”, tư duy cùng thắng, nhưng không biết có ai trong số chúng ta chấp nhận các tư duy: thắng/thua, thua/thua, thua/thắng hoặc thậm chí không giao kèo hay chưa?
Sự thật là không phải trong tất cả các tình huống ta đều có thể biến thỏa thuận về trạng thái win – win. Đôi khi là sự nhún nhường đối tác trong hợp đồng đầu tiên để có được sự tin cậy, sau đó các hợp đồng sau sẽ mang lại giá trị cao hơn nếu ta chứng minh được giá trị bản thân. Cũng có khi, không giao kèo lại là lựa chọn không thể tốt hơn. Chúng ta có thể hẹn đối tác vào một dịp khác khi hai bên sẵn sàng thay vì cố gắng “ép trái chin nhanh” trong khi dịch vụ của chúng ta chưa hoàn thiện.
Tư duy cùng thắng có phải lúc nào cũng tốt?
Thói quen thứ 5: Lắng nghe và thấu hiểu
Chúng ta thường “lắng nghe” người khác với một trong bốn thái độ như sau:
- “Làm ngơ”: thái độ này khó có thể gọi là lắng nghe
- “Giả vờ lắng nghe”: chúng ta có thể buông một vài lời cảm thán như “À”, “Ồ”,… nhưng thực chất lại không quá tập trung vào cuộc hội thoại.
- “Lắng nghe có chọn lọc”: chỉ nghe một phần, nghe những gì cảm thấy muốn nghe
- “Chăm chú lắng nghe”: tập trung toàn tâm toàn ý vào cuộc hội thoại
Tuy nhiên, rất ít ai trong chúng ta biết đến mức độ thứ năm của lắng nghe đó là “Lắng nghe để thấu hiểu”. Lắng nghe để thấu hiểu tức là bạn biết đặt mình vào vị trí người khác, nhìn sự vật hiện tượng dựa trên lăng kính của người khác để hiểu được cách hành xử và cảm thông cho họ. Khi lắng nghe, bạn không chỉ nghe bằng tai mà còn nghe bằng ánh mắt, cảm nhận bằng trái tim để thấu hiểu những điều đôi khi hơn cả một lời nói.
Bạn đã thực sự lắng nghe ai đó?
Thói quen thứ sáu: Đồng tâm hiệp lực
Nhà tôi có rất nhiều cây xanh. Ở góc vườn, bố tôi trồng hai cây sát nhau thì thấy chúng vững chãi hơn, rễ quện vào nhau và cùng phát triển cao lớn hơn các cây xung quanh khi đứng riêng biệt. Nếu bạn ghép hai miếng gỗ vào nhau, nó sẽ chịu lực tốt hơn là một miếng gỗ đơn lẻ. Như vậy, ta có thể thấy rằng, một tổng thể thống nhất luôn mạnh hơn từng phần cộng lại.
Trong công việc, cuộc sống hoặc kinh doanh, nếu chúng ta cùng nhau thì việc gì cũng thành. Đồng tâm hiệp lực dựa trên mục tiêu chung mà chúng ta hướng tới chứ không phải để phân định thắng thua. Các thành viên trong gia đình cùng đồng tâm hiệp lực thì cuộc sống hôn nhân sẽ rất hạnh phúc. Đồng nghiệp cùng nhau dốc sức để đạt được mục tiêu chung thì khả năng 1+2=10.
Thói quen thứ bảy: Rèn giũa bản thân
Nguyên tắc cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng đó là nguyên tắc bắt đầu từ bên trong mỗi chúng ta: dành thời gian để rèn giũa bản thân. Mỗi chúng ta cần không ngừng hoàn thiện mình ở bốn khía cạnh: Thể chất, Trí tuệ, Tinh thần, Quan hệ xã hội/Tình cảm.
Để có được một sức khỏe tốt, bạn cần có chế độ ăn uống và luyện tập đều đặn. Cần luyện tập cả sức chịu đựng, sự dẻo dai và sức mạnh, bạn có thể thử bằng cách tăng nhịp tim khi chạy lên 100 lần/phút và cố gắng giữ nó trong 30 phút (Nhịp tim thông thường của chúng ta là 60 nhịp/phút).
Với tinh thần, chúng ta có thể đưa mình tới gần hơn với thiên nhiên bằng cách đi dạo bộ trong công viên, nghe nhạc, yoga tĩnh tâm.
Để bồi dưỡng cho sự phát triển của trí tuệ, chúng ta có thể đọc sách, tự rèn luyện sáng tạo theo cách của mình hoặc viết lách.
Trong quan hệ xã hội, ta không ngừng thấu hiểu, đồng tâm hiệp lực cùng mọi người để đạt được những mục tiêu chung.
Sống với chính bản thân mình là nguồn gốc cơ bản nhất của những giá trị cá nhân mà mỗi con người tạo ra. Hãy bắt đầu từ bên trong bạn và bắt đầu cầm cuốn sách này trên tay ngay nhé vì mỗi cuốn sách qua lăng kính của mỗi người lại có những cách tiếp thu và góc nhìn mới. Chúc các bạn sẽ ngày càng có thêm nhiều thói quen để thành đạt.
Ngọc Ánh
Link chia sẻ 12 giờ