Trong một lớp học nọ, thầy giáo đặt cho học sinh của mình một câu hỏi: “Nếu như các em đến một khu rừng để chặt cây, trước mắt các em có hai cây lớn, một cây có gốc to và một cây có gốc nhỏ, các em sẽ chọn cây nào để chặt?
Ngay khi thầy giáo ngừng hỏi, cả lớp đều đồng thanh trả lời: “Chúng em sẽ chặt gốc cây to ạ”.
Thầy giáo tiếp tục nói: “Như vậy, nếu cây gốc to là cây bạch dương bình thường và cây gốc nhỏ là cây thông thì các em có còn chặt cây gốc to nữa không?”.
Tất cả im lặng ngẫm nghĩ một hồi rồi một bạn đứng lên thay mặt lớp trả lời: “Em sẽ chặt cây thông ạ, vì cây thông quý và có giá trị hơn bạch dương rất nhiều”.
Thầy giáo lại tiếp tục: “Thế nếu như gốc cây bạch dương thẳng tắp, còn thân cây thông thì cong vẹo, uốn éo, các em sẽ chặt cây nào?
Các học trò bắt đầu xôn xao bàn luận đầy chút nghi hoặc và đồng thanh nói: “Nếu như thế thì chúng em lại chặt cây bạch dương thầy ạ, vì cây thông như thế thì cũng không có ích gì nhiều”.
Tới đây, thầy giáo mỉm cười với ánh mắt lóe lên, thầy lại tiếp tục nói: “Cây bạch dương dù cao thẳng nhưng bên trong của nó đã mục rỗng, khi đó liệu các em có còn muốn chặt cây bạch dương nữa không?”.
Tuy các học sinh không hiểu rõ ý muốn cuối cùng của thầy là gì nhưng các trò vẫn suy nghĩ và trả lời: “Vậy thì chúng em lại chặt cây thông, cây bạch dương đã mục rỗng thì còn vô dụng hơn”.
Không để các trò chờ lâu, thầy giáo lại tiếp tục câu hỏi: “Nhưng mà dù cây thông không bị mục rỗng như cây dương thì nó quá cong vẹo, để chặt được nó rất khó, các em có chặt nữa không?”.
Đám học trò lại xôn xao bàn luận, đột nhiên một em đứng lên phát biểu: “Thưa thầy! Cuối cùng em vẫn chưa hiểu được mục đích những câu hỏi thầy đặt ra làm gì? Thầy muốn nói gì đến chúng em phải không ạ?
Thầy giáo mỉm cười và nhẹ nhàng nói: “Khi các em suy nghĩ trả lời câu hỏi của thầy đã bao giờ tự đặt ra câu hỏi rằng rốt cuộc tại sao phải chặt cây chưa? Các em thấy đấy, thầy thay đổi điều kiện đặc điểm của hai cây rất nhiều, nhưng yếu tố quyết định có chặt cây đó hay không là động cơ của chính các em. Hãy thử nghĩ xem, nếu như em muốn lấy củi thì em có chặt cây thông quý giá kia không, nếu như em muốn làm hàng mĩ nghệ thì em có chọn cây bạch dương mục rỗng hay không? Đương nhiên, chúng ta không thể nào tự nhiên vác rìu lên rừng chặt cây mà không có lí do hay mục đích gì được”.
Thiết nghĩ, mỗi chúng ta trong quá trình cộng tác, phối hợp với nhau trong công việc; đã bao giờ chúng ta cùng nhau đặt ra câu hỏi: “Mục đích cuối cùng là gì?” chưa? Hay là trước mỗi lúc thực hiện công việc, ta tự đặt cho mình câu hỏi “Mục đích cuối cùng là gì?” chưa?
Vậy theo bạn, Mục đích cuối cùng của bài viết này là gì?
Cú Lợn
Link chia sẻ 12 giờ